Pháp sẽ thấp thỏm lo âu nếu lọt vào vòng knock out do có nhiều trụ cột theo đạo Hồi - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1986, tháng Ramadan của người Hồi giáo lại rơi vào lịch thi đấu của World Cup. Ngày đầu tiên của tháng thiêng liêng của người Hồi giáo năm nay rơi vào ngày 28.6, ngày World Cup 2014 khởi tranh trận đấu đầu tiên thuộc vòng knock out.
Với 6 trong số 32 tuyển quốc gia tranh tài ở Brazil đến từ các quốc gia Hồi giáo nên không thể tránh khỏi việc nhiều cầu thủ theo Hồi giáo sẽ góp mặt ở vòng knock out World Cup năm nay.
Trong tháng Ramadan, các cầu thủ bóng đá theo đạo Hồi phải tập luyện và thi đấu trong sự chịu đựng do không ăn và uống nước hoặc hạn chế tối thiểu từ bình minh cho đến khi mặt trời lặn. Vì vậy, nếu phải thi đấu ở các thành phố ở Brazil có nhiệt độ và độ ẩm cao như Rio de Janeiro sẽ ảnh hưởng rất nhiều phong độ của các cầu thủ theo đạo Hồi.
Ozil (giữa) ít nhiều sẽ suy giảm thể lực trong tháng Ramadan nếu Đức đi tiếp - Ảnh: Reuters
Ở World Cup năm nay, ngoài Bosnia-Herzegovina, Algeria, Cameroon, Iran, Bờ Biển Ngà và Nigeria đều có dân số phần lớn theo đạo Hồi, các đội tuyển khác như Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Ghana cũng có một số tuyển thủ theo đức tin này. Ngoài Bosnia-Herzegovina và Cameroon đã bị loại, các đội còn lại có tuyển thủ theo đạo Hồi vẫn còn hy vọng góp mặt ở vòng knock out và phải đối phó nguy cơ suy giảm sức mạnh trong tháng Ramadan.
Vì vậy, Pháp (đội gần như chắc suất ở vòng knock out) sẽ gặp khó do sở hữu khá nhiều cầu thủ trụ cột theo đạo Hồi như Karim Benzema, Bacary Sagna, Moussa Sissoko và Mamadou Sakho. Trong khi đó, Đức nếu đi tiếp sẽ có thêm mối lo do Mesut Ozil sẽ bước vào tháng linh thiêng của đức tin, bên cạnh ngôi sao Xherdan Shaqiri của Thụy Sỹ.
“Các huấn luyện viên thể lực sẽ được yêu cầu giải quyết vấn đề sức khỏe cho các tuyển thủ do tình trạng mất nước, làm tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng và năng lượng”, một bài báo nghiên cứu y học được đăng tải trên Aspetar (Bệnh viện y học và chỉnh hình Qatar) cho biết.
Tuy nhiên, giám đốc y tế của FIFA Jiri Dvorak đưa ra tuyên bố ngược lại khi cho rằng sau một thời gian nghiên cứu cho thấy các cầu thủ sẽ không bị suy giảm về thể chất trong tháng Ramadan và người theo đức tin cũng có quyền miễn tạm thời về chế độ ăn uống trong tháng này nếu cần thiết phải làm.
Bờ Biển Ngà sẽ có chế độ đặc biệt cho Yaya Toure (trái) trong tháng Ramadan nếu góp mặt ở vòng knock out World Cup 2014 - Ảnh: Reuters
Dẫu vậy, trên thực tế, tháng Ramadan từng nhiều lần cho thấy sự ảnh hưởng đối với bóng đá chuyên nghiệp trong quá khứ. Trong năm 2009, khi còn dẫn dắt Inter Milan, HLV Jose Mourinho buộc phải thay tiền vệ người Ghana Sulley Muntari chỉ sau nửa giờ thi đấu trong trận hòa 1-1 với Bari do kiệt sức trong tháng Ramadan.
Cùng năm đó, một đội hạng 2 của Đức cũng đưa ra cảnh báo sa thải 3 cầu thủ do không thông báo về việc ăn chay trong tháng Ramadan. Tương tự, HLV Carlos Alberto Parreira cũng từng rơi vào tình cảnh khó khăn hơn gấp bội lần Mourinho khi dẫn dắt tuyển Kuwait ở World Cup 1982...