(TNO) Huyền thoại bóng đá Argentina Claudio Caniggia cho biết đội ngũ hiện tại không thể cứ tiếp tục dựa vào Lionel Messi nếu muốn giành chức vô địch World Cup 2014.

Claudio Caniggia đua bóng cùng Franco Baresi ở trận bán kết World Cup 1990 - Ảnh: AFP
Claudio Caniggia, huyền thoại bóng đá Argentina với biệt danh “Đứa con thần gió” từng là trụ cột tuyển Argentina các kỳ World Cup 1990 và 1994.
Nói chuyện trên tờ El Mundo ông cho rằng việc quá phụ thuộc vào Messi là rất nguy hiểm cho những tham vọng của Argentina.
Ông phát biểu: “Lionel đã có một kỳ World Cup tuyệt vời, nhìn từ quan điểm hiệu quả. Anh ấy là số 1, là cầu thủ hay nhất thế giới hiện nay và là chìa khóa của Argentina trong 5 trận vừa qua.
Có thể, trước Iran anh ấy chơi không tốt. Nhưng chỉ cần trao cho anh ấy một cơ hội, anh ấy sẽ giải quyết vấn đề. Trước Thụy Sỹ, khi Palacio tranh bóng thành công, Leo chạy 20 m với bóng, vượt qua một đối thủ. Thật vui sướng khi được nhìn thấy cậu ấy làm thế.
Nhưng những cá nhân khác tại tuyển Argentina, những người đã vẫn luôn mờ nhạt phải tiến lên sát cánh cùng Messi. Bởi vì cậu ấy không thể luôn luôn tự mình giải quyết mọi vấn đề”.
Cũng liên quan đến Messi, Claudio Caniggia cũng bày tỏ quan điểm của mình về tranh cãi bất tận: Liệu Messi đã đủ vĩ đại chưa?
Messi cúi thở trong trận gặp Thụy Sỹ tại World Cup 2014 - Ảnh: Reuters
Người đồng đội của Maradona ở tuyển Argentina khẳng định: “Messi không cần World Cup để được ghi nhận là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử.
Nhưng tôi tin rằng nếu giành danh hiệu, Messi sẽ sánh ngang cùng đẳng cấp với Diego Maradona. Và sau đó, Messi sẽ được công nhận trên toàn thế giới như một trong 5 cầu thủ vĩ đại nhất thế giới”.
Lẽ dĩ nhiên, khi nói về Messi và Maradona, cựu cầu thủ River Plate, Atalanta, Boca Juniors và Rangers sẽ không thể nào bỏ qua một cuộc tranh cãi còn bất tận hơn: Maradona và Pele, ai xuất sắc hơn?
Ông khẳng định: “Có những người được xem Pele thi đấu và nói rằng ông ấy vĩ đại nhất. Với tôi, cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử là Maradona.
Chúng ta mỗi người đều có quan điểm của mình và thông thường sẽ không có những sự thống nhất về những vấn đề như thế này”.