Nước mắt của CĐV Mexico - Ảnh: Reuters
Khuôn mặt nhòa lệ của những người đàn ông quả cảm đến từ Mexico chắc chắn không đến từ thất bại “tâm phục khẩu phục” trước người Hà Lan. Rõ ràng có nhiều lý do để họ cảm thấy Tri Color xứng đáng có mặt trong danh sách 8 đội mạnh nhất của giải, chí ít là vậy.
Hãy khoan không bàn đến tính “hợp lý” của quyết định thổi penalty vào phút thứ 94, ít ra trong 88 phút của trận đấu, Mexico đã đá ngang ngửa với Hà Lan, thậm chí nhỉnh hơn đối thủ cho đến thời điểm ghi bàn dẫn trước bằng lối đá chặt chẽ, kỷ luật. Bất chấp những chỉ số phạt góc (2 và 10), tỷ lệ kiểm soát bóng (45% và 55%) lép vế hơn, nhưng số cú sút trúng đích về cầu môn của Mexico không hề thua kém (đều 7 cú sút).
Ở trên sân, Miguel Herrera đã chỉ đạo các học trò khóa chặt 2 cánh trong khoảng 1 tiếng đầu tiên của trận đấu, “phá nát” lối chơi của đối thủ khiến Hà Lan không thể tấn công mạch lạc, bài bản. Khai triển sơ đồ 3-5-2 nhưng chí ít có đến 7/8 cầu thủ tuyến dưới xuất thân là một hậu vệ (Rodriguez, Salcido, Marquez, Layun, Moreno, Guardado, Aguilar) thật dễ hiểu khi Hà Lan bế tắc thế nào trong nỗ lực ghi bàn.
Ở phía đối diện, Hà Lan bản thân đã thể hiện hoàn toàn “bài vở” từ 3 trận trước, khi hầu như chỉ còn vài lá bài ngửa: Roben xuyên phá, Van Persie, Memphis dứt điểm hoặc hậu vệ lên không chiến để ghi bàn. Ở giải này họ quá thiếu những pha dàn xếp, phối hợp 1-2 thường thấy cách đây hơn 10 năm.
Nhưng ở 2 trận gần đây, Van Gaal đã có điều chỉnh khá hợp lý khi để một tiền đạo là Dirk Kuijt đá tiền vệ cánh phải, khi đó bộ ba Sneijder, Roben, Dirk Kuijt sẽ tạo áp lực đáng kể lên hành lang trái của Mexico. Với con tính này, Van Gaal lại một lần nữa đã đúng, 2 bàn thắng quyết định trận đấu hoàn toàn xuất phát từ đây.
Nhưng chiến thắng của người Hà Lan không chỉ xuất phát từ Van Gaal hay bộ 3 Sneijder, Roben, Dirk Kuijt, chính Miguel Herrera đã phần nào tiếp tay cho chiến thắng đó khi thay Dos Santos quá sớm (bằng một tiền vệ là Aquino) để đặt cược vào vành đai dày đặc phía trước thủ môn. Kể từ đây Mexico chẳng tạo ra bất kỳ một sức ép đủ mạnh nào khiến Hà Lan lo sợ. Lập tức Dirk Kuijt và Memphis thoải mái bên hành lang mà không phải lo ngại những áp lực từ phía sau.
Có vẻ bài học “ăn non” của Pekerman trước người Đức tại World Cup 2006 lại tái hiện với Herrera hôm qua, bởi trước đối thủ tầm cỡ như Đức hay Hà Lan, co cụm phòng ngự quá sớm không khác gì hành động tự sát.
Cuối cùng, rồi cũng phải nhắc đến đó là: đằng sau chiến thắng của Hà Lan vẫn ẩn hiện tầm quan trọng của ông Vua sân cỏ Pedro Proenca. Đành rằng trong 3 hay 4 pha ngã của Hà Lan, không phải tất cả đều là giả vờ, nhưng bàn thắng ở phút thứ 94 không giống một pha phạm lỗi đáng cắt còi.
Một Marquez cực kinh nghiệm, khôn ngoan co chân để “tránh” Roben trong tình huống trước đã không thể thoát cái bẫy số 11 tạo ra ở phút 94. Nếu không có tình huống tranh cãi này, tất nhiên nhiều khả năng Hà Lan hừng hực khí thế vẫn có nhiều lợi thế hơn khi về cơ bản đội hình của họ vẫn đầy đủ cầu thủ phục vụ cho lối chơi đã hoạch định từ đầu của Van Gaal.
Trong khi Mexico sau khi thay Dos Santos đã không còn những quân bài phù hợp cho thế trận ăn miếng trả miếng như lúc đầu. Nhưng chẳng ai có thể khẳng định điều gì, khi sau 30 phút giằng co sẽ là màn đấu súng may rủi, nơi Hà Lan chưa bao giờ là đối thủ “xứng tầm” với bất kỳ đội bóng nào.
Sau bài toán hóc búa Mexico, Costa Rica lại lấp ló tại tứ kết. Nếu nhìn vào bảng xếp hạng hay tên tuổi cầu thủ, Hà Lan có thể không cần suy nghĩ cho 1 vé vào bán kết gần như nắm chắc và thoải mái shopping trên đường phố Rio. Nhưng hãy coi chừng, đây là World Cup tại Brazil nóng nực, ẩm ướt và Costa Rica là những người “không phổi” sinh ra tại Nam Mỹ, việc họ vào đến vòng 1/8 phần lớn đến từ sức khỏe phi phàm đó, cái mà người Hà Lan luôn thiếu trong các cuộc đối đầu đỉnh cao.